Nghề Trưởng

Nghề Trưởng

Trong nhiều năm qua, nghề trưởng được sử dụng thành công trong sinh hoạt hướng đạo. Nghiên cứu, trau dồi và phát huy nghề trưởng là công việc cần thiết cho chúng ta, không những chỉ trong hướng đạo mà là còn ở nhiều môi trường khác nữa. Sử dụng nghề trưởng đúng mức sẽ giúp chúng ta thực hiện việc điều hành đơn vị dễ dàng và thành công hơn. Sau đây chúng ta hãy cùng nhau đi qua các nghề trưởng mà ta sẽ dùng trong việc điều hành đoàn.

1/ Tìm hiểu nhu cầu của HÐS trong đoàn:

Cố gắng bằng mọi hình thức tiếp xúc với các em để tìm hiểu:

Tại sao các em vào hướng đạo.

Trong chương trình sinh hoạt của đoàn các em mong đợi cái gì trong đó cho các em.

Các em muốn thấy những gì mà đoàn sẽ thực hiện.

Sinh hoạt nào hấp dẫn các em nhất.

Những gì các em dự định cho tương lai.

Khi đã tìm hiểu những nhu cầu của các em xong là bạn có thể soạn thảo một chương trình sinh hoạt khả thi thích hợp để đáp ứng những nhu cầu đó, hẳn nhiên là bạn rất khó làm vừa lòng tất cả mọi người song bạn có thể nhìn vào cái đa số để bạn an tâm thực hiện chương trình cần thiết cho nhu cầu của đoàn bạn. Hội Ðồng Trưởng, Chánh Tuần Trưởng, Ðội Ttrởng Nhất là những người chịu trách nhiệm soạn thảo chương trình thích ứng.

2/ Truyền thông:

Luôn luôn phát triển khả năng nhận tin bằng cách:

Chú ý, lắng nghe một cách cẩn thận.

Ghi chú rõ ràng, nếu cần bạn hãy vẽ ra lược đồ cho dễ hiểu.

Nếu chưa rõ xin hỏi lại. Lập lại những điều mà bạn nghĩ rằng đã hiểu coi thử có đúng như vậy không.

Luôn luôn phát triển khả năng truyền tin bằng cách:

Bảo đảm rằng mọi người đang lắng nghe bạn trình bày.

Nói chậm rãi và rõ ràng.

Vẽ lược đồ nếu cần. Hỏi ngược lại mọi người có ghi chú các phần quan trọng chưa.

Tìm hiểu thử mọi người có chắc rõ điều bạn đã trình bày. Nếu cần, xin họ lập lại. Khuyến khích mọi người nên hỏi lại những gì mà họ chưa rõ lắm.

Trả lời những câu hỏi một cách vui vẻ. Có những câu hỏi, nếu bạn không rõ lắm xin bạn đừng trả lời vội, bạn có thể hẹn lại dịp khác, nghiên cứu chắc chắn rồi trả lời sau.

3/ Biết và sử dụng các nguồn tài nguyên:

Giữ sinh hoạt hào hứng, cập nhật chương trình là điều cần thiết.

Tìm hiểu những nguồn tài nguyên chung quanh bạn như bạn bè, người cộng sự…

Phụ huynh đoàn sinh là nguồn tài nguyên sẽ giúp bạn thật nhiều trong việc phát triển đoàn.

Tìm hiểu khả năng của những người trong đơn vị, họ sẽ có nhiều sáng kiến và khả năng chuyên môn để cùng bạn xây dựng Ðoàn.

4/ Kế hoạch – Dự án:

Phương pháp tốt nhất cho bạn đặt những dự án là:

Tham khảo và nhận xét công việc sẽ làm. Ðiều gì cần thực hiện và kết quả mong muốn sẽ ra sao?

Nghiên cứu các nguồn tài nguyên. Ai sẽ là người có thể giúp bạn? Tìm dụng cụ ở đâu? Phương tiện thực hiện ra sao? Ðịa điểm…?

Nghiên cứu thêm vài dự án phụ để dự án chính có trở ngại bạn vẫn tiếp tục được kế hoạch của bạn.

Họp Hội Ðồng Trưởng trình bày dự án. Quyết định tiến hành công việc theo dự án đó.

Viết dự án xuống và cùng với đoàn và duyệt lại dự án thêm lần nữa.

Thi hành dự án.

Ðánh giá công việc thường xuyên trong khi thực hiện.

5/ Kiểm soát:

Khi sinh hoạt với đoàn, bạn nên làm một số việc sau:

Thường xuyên quan sát sinh hoạt đoàn. Nắm rõ những việc đã xảy ra. Hiểu thái độ sinh hoạt của đoàn.

Có những hướng dẫn rõ ràng và thích hợp.

Sẵn sàng giúp đỡ mọi người trong những lúc cần thiết.

Nhanh nhẹn giải quyết những rạn nứt có thể xảy ra cho đoàn của bạn.

Hướng dẫn đoàn của bạn đi đến kỷ luật tự giác là hay nhất.

6/ Ðánh giá sinh hoạt:

Sau bất cứ một sinh hoạt nào bạn hãy hỏi những câu hỏi sau:

Ðoàn bạn có thích sinh hoạt đó không?

Kết quả sinh hoạt ra sao? Công việc có được hoàn thành không?

Liệu đoàn mình có nên thực hiện việc đó một lần nữa chăng?

Mọi người có nhận thấy mình sự tu tiến trong khi thực hiện công tác đó không?

Có rút được ưu, khuyết điểm rõ ràng để lần sau thực hiện khá hơn không?

Xin nhớ buổi họp để đánh giá sinh hoạt chứ không phải để chỉ trích lẫn nhau.

7/ Làm người tiêu biểu:

Là một người Trưởng bạn hãy cố gắng sống đúng với tiêu chuẩn của đoàn và của phong trào. Các em sẽ nhìn vào bạn để bắt chước theo.

Các em muốn thấy bạn làm đúng hơn là nói nhiều.

Thái độ và cách cư xử của bạn rất ảnh hưởng đến các em trong đoàn.

Hãy tự đặt mình là một em nào đó trong đoàn, bạn mong đợi gì ở người Trưởng của bạn?

8/ Chia sẻ lãnh đạo:

Cách lãnh đạo hay sẽ cho ra các kết quả sau:

Tinh thần hợp tác và đồng đội cao.

Tạo cảm giác là mọi người đều được trọng dụng.

Phương pháp hàng đội (phân công hợp lý).

Tinh thần dân chủ và sự tham gia của mọi người rất cần thiết trong phần lãnh đạo và điều hành.

Bạn khó có thể nào gánh hết mọi việc được.

Cộng sự viên của bạn sẽ giúp bạn nếu ý kiến của bạn đúng và thích hợp với nhu cầu sinh hoạt của đoàn.

9/ Khải đạo:

Một Trưởng giỏi là luôn thích thú trong công việc khuyên bảo từng cá nhân trong đoàn của mình. Thế nào bạn cũng sẽ gặp vài trường hợp bất ổn từ một vài cá nhân. Thế thì như thế nào để bạn xử dụng thuật khải đạo (khuyên bảo, cố vấn) đối với những trường hợp như thế:

Tìm một nơi có tính cách kín đáo, riêng tư.

Ðừng để cho người đối diện cảm thấy có sự cách biệt với mình, như thế sẽ tạo ra sự thiếu chú ý.

Tạo không khí thoải mái cho người đối diện.

Biết lắng nghe, khuyến khích người đối diện trình bày rõ vấn đề (nghe nhiều hơn hỏi).

Cố gắng tìm hiểu vấn đề. Hỏi kỹ từng điểm một.

Ðừng đưa lời khuyên vội cho đến khi mọi việc đã bàn xong. Nếu đưa lời khuyên quá sớm người đối diện có thể từ chối những đề nghị của bạn đó. Hãy kiên nhẫn.

Khuyến khích người đối diện tìm vài phương pháp giải quyết khác.

Thay vì cho lời khuyên, bạn nên cho vài điểm để giúp vấn đề sáng tỏ hơn và biết đâu tự người đối diện sẽ tìm ra giải pháp để giải quyết vấn đề.

Hỏi người đối diện là việc gì họ nên làm. Có thể từ tin tức bạn đưa ra sẽ giúp họ tự giải quyết.

Quyết định một dự án để giải quyết vấn đề. Vấn đề có thể giải quyết từng bước một.

10/ Ðại diện nhóm:

Bạn là người được chọn và trao trách nhiệm đại diện cho nhóm để cùng các đại diện nhóm khác quyết định những công việc sẽ làm, vì thế bạn cần làm một số việc như sau:

Hiểu rõ nhu cầu và phân tích quan điểm của nhóm mình.

Bạn làm công việc này trong phạm vi công việc sinh hoạt của đoàn.

Bạn sẽ đại diện cho nhóm của bạn tại buổi họp Hội Ðồng Ðội Trưởng, Hội Ðồng Trưởng hoặc với các đơn vị khác…

Bạn trình bày những nhu cầu, quan điểm của nhóm bạn ngắn gọn và đầy đủ.

Lắng nghe người khác trình bày quan điểm, nhu cầu của nhóm họ.

Bạn nghĩ về cái chung và sẵn sàng điều đình với các đại diện khác để cùng nhau đi đến một quyết định mà chúng ta thấy là tiện lợi nhất.

Bạn sẽ trình bày lại tất cả những gì mà bạn và đại diện nhóm khác đã bàn thảo và quyết định cho nhóm của bạn biết. Sẵn sàng giải thích cho nhóm biết tại sao chúng ta đi đến quyết định đó.

11/ Hướng dẫn có hiệu quả:

Những kỹ thuật để hướng dẫn các em có hiệu quả:

Hãy giúp các em khám phá thêm những điều mà các em đã biết rồi. Các em sẽ thấy thích thú trong việc này.

Hãy giúp các em khám phá những điều mà các em cần muốn biết.

Khuyến khích các em ôn lại những điều đã học qua.

Tiếp xúc với các em thường xuyên và nhận xét các em cần những gì trong sinh hoạt.

Tham khảo tài liệu… tìm cách hướng dẫn, huấn luyện cho các em những điều mà các em còn thiếu.

Sử dụng nhiều phương pháp khác nhau để hướng dẫn các đề tài cho khỏi bị nhàm chán.

Luôn tạo cơ hội cho các em khai phá những điều hay, mới, lạ.

Ðánh giá. Phải nhìn thấy được các em đã học được gì và huấn luyện viên đã dạy được gì.

(HNT Sưu tầm & biên soạn)

Vai Trò và Nhiệm vụ của Trưởng HĐ

1- ÐỊNH NGHĨA:

Tuổi tác: Là người lớn theo quy luật xã hội là 18 tuổi trở lên.

Trưởng là người đã tuyên hứa và được huấn luyện, ít nhất qua khóa cơ bản của đơn vị, phong trào HÐ địa phương sở tại và đang điều hành đoàn hoặc đang đảm nhận một trách vụ HÐ ở cấp Liên Ðoàn, Ðạo, Châu hay cao hơn…

Trưởng không phải là một chức vụ hay một tước hiệu để phong cho người lớn mà đó là một Trách Vụ, một trách nhiệm của một việc làm. Khi còn đang làm nhiệm vụ thì gọi là Trưởng, khi hết nhiệm vụ thì gọi là Cựu Trưởng.

Ghi chú: Khi có một người lớn mới đến với phong trào để giúp các em, nếu chưa hoàn tất phần huấn luyện cơ bản thì được gọi là Dự Trưởng. Những người dù đã lớn, có sinh hoạt HÐ lúc thiếu thời, nhưng chưa làm Trưởng bao giờ thì vẫn gọi là Hướng Ðạo Sinh chứ không thể gọi là Trưởng được.

2- VAI TRÒ:

– Là người anh, chị: Trưởng là người anh, chị trong đoàn, tỏ đủ tình thương đến với trẻ, có tinh thần giúp đỡ và bảo bọc cho các em trong mọi vấn đề

– Là người bạn: Trưởng là một người bạn tốt của trẻ, thân thiện, tự nhiên và gần gũi với trẻ để các em không thấy sự cách biệt giữa tuổi tác. Là một người bạn của trẻ thì trẻ mới tâm sự được với mình trong những khi cần sự giúp đỡ. Ðiều này không có nghĩa là mình quá dễ dãi, lố bịch dễ làm cho trẻ không phục

– Là người hướng dẫn viên: Trưởng phải được huấn luyện hoặc tự huấn luyện để có đủ khả năng là một người hướng dẫn cho trẻ trong sinh hoạt hướng đạo. Trẻ mỗi ngày một lớn, Trưởng cũng phải thăng tiến hơn để giúp cho các em hữu hiệu. Hướng dẫn các em bằng tình cảm và xây dựng kỷ luật tự giác sẽ giúp cho vai trò của Trưởng hay nói đúng hơn là thiên chức của Trưởng có kết quả hơn

3- NHIỆM VỤ:

– Lo phần hành chánh cho đơn vị. Giúp huấn luyện các Dự Trưởng

– Trưởng có trách nhiệm với đoàn về các mặt tinh thần, hoạt động và kết quả sinh hoạt của đoàn

– Tạo chương trình sinh hoạt đều đặn, tích cực và đầy đủ để đáp ứng nhu cầu
của trẻ trong đoàn

– Nâng cao tinh thần Hướng Ðạo cho tất cả mọi thành viên trong đoàn. Bạn cố gắng hết sức để làm người gương mẫu, tích cực trong mọi sinh hoạt, và có lẽ là người hy sinh nhiều thì giờ và công sức hơn các đoàn sinh. Trưởng luôn tạo nguồn thông cảm, nhiệt tâm và xứng đáng trong vai trò hướng dẫn trẻ của mình

Trách Nhiệm Trong Ðoàn

Trong sinh hoạt của một đoàn HÐ cần nên phân biệt một số trách nhiệm để phần điều hành và sinh hoạt đoàn đạt kết quả cũng như tạo cơ hội cho các em tư biết lãnh đạo. Chúng ta có thể tạm chia ra các phần như sau:

Ngành Ấu (Sói Con & Chim Non):

a- Trưởng: Có trách nhiệm điều hành và hướng đẫn các sinh hoạt đoàn
b- Các em: Sinh hoạt theo sự hướng dẫn của Trưởng

Ngành Thiếu:

a- Trưởng: Có trách nhiệm vừa điều hành vừa đóng vai trò cố vấn, hướng dẫn các em trong điều hành và sinh hoạt đoàn. Theo dõi và giúp đỡ sinh hoạt của các em.
b- Các em: Phần lớn là tự điều hành sinh hoạt đơn vị mình (theo phương pháp hàng đội). Khi cần sự giúp đỡ, các em sẽ tham khảo với trưởng.

Ngành Thanh và Tráng:

a- Trưởng: Phần lớn là trách nhiệm cố vấn

b- Thanh, Tráng sinh: Tự điều hành đơn vị. Tham khảo với Trưởng khi cần

(Tài liệu HĐTƯ)