Ngành Thanh

Vài nét về Ngành Thanh

Ngành Thanh trên thế giới được thành lập vào năm 1964. Tại Hội nghị Trưởng toàn quốc HÐVN năm 1965, tổ chức tại Sài Gòn, ngành KHA (Thanh) được chính thức thành lập trong Phong trào HÐVN năm 1966 do trưởng Trần Ðiền phụ trách, sinh hoạt theo nhu cầu giáo dục tâm sinh lý dành cho lứa tuổi từ l6 đến 19, là lứa tuổi dậy thì đang theo học bậc trung học đệ nhị cấp (lớp 10 đến 12) trong xã hội Việt Nam chúng ta lúc bấy giờ. (Hiện nay lứa tuổi Thanh là từ 15 – 17 tuổi)

HÐS trong lứa tuổi KHA được gọi là Kha sinh không còn thích hợp ở tuổi Thiếu sinh nhưng cũng chưa đủ chững chạc để bước vào tuổi Tráng sinh, Kha sinh đang ở tuổi dậy thì, tâm sinh lý còn bất ổn, đang cần sự hướng dẫn vào chừng mực để trưởng thành, do đó tuổi Kha sinh được ấn định từ 16 đến 19 (theo HÐVN trước năm 1975).

Trong những năm cuối của thập niên l960, ngành Kha vẫn đang còn bước những bước dọ dẫm, tuy nhiên vẫn phát triển không ngừng kéo theo sự hình thành và phát triển ngành Tỷ (chị) cho nữ HÐS. Trải qua bao thăng trầm của đất nước, sau biến cố lịch sử 30-4-l975, Phong trào HÐVN lại tiếp tục hình thành và phát triển tại các quốc gia tự do có cộng đồng người Việt Nam sinh sống, ngành Kha cũng thế.

Cho đến năm 1983, Hội nghị Hội Ðồng Trung Ương HÐVN Hải ngoại tổ chức tại COSTA MESA, CALIFORNIA, HOA KỲ, do sự đề nghị của Trưởng Mai Liệu, Hội Ðồng Trung Ương HÐVN Hải Ngoại nhận thấy sự bất hợp lý trong danh xưng KHA khi tổ chức sinh hoạt cũng dành cho các em nữ HÐS trong ngành này (KHA là ANH theo Hán Tự, chữ KHA dùng cho nữ nghe không ổn) do đó danh xưng THANH đã được xử dụng thay thế cho danh xưng KHA. Ngành THANH, THANH Ðoàn, THANH NỮ, THANH NAM được bắt đầu sử dụng từ đó.

Tuổi Thanh Sinh thường có nhiều đòi hỏi mâu thuẫn, thường muốn xóa bỏ tương quan giữa Thiếu trưởng và Thiếu sinh như một tương quan giữa Thầy và Trò (Vâng lời mà không biện bác), nhưng cũng nhận thức được chân giá trị của một Trưởng HÐ trong thực tế, do đó Thanh sinh thường muốn các Trưởng tôn trọng và chấp nhận sự phát triển, trưởng thành của mình để giao trách nhiệm cho mình trong việc tự tổ chức, điều hành các sinh hoạt của đơn vị. Thanh đoàn chính là môi trường để các Thanh sinh thi thố và phát triển khả năng và tài cán của mình kể cả sở trường lẫn sở đoản, do đó ta thấy nhiệm vụ của một Trưởng Thanh đoàn rất quan trọng và không dễ dàng như các Trưởng của các ngành khác. Thanh trưởng phải chứng minh được mình là Trưởng có khả năng cố vấn nhiều hơn là các khả năng khác, và mục tiêu chính Thanh trưởng phải nhắm tới là chuẩn bị cho các em vào đời, đồng thời huấn luyện để các em trở thành một Trưởng HÐ cho phong trào.

Nguyên Tắc Căn Bản:

Ba nguyên tắc căn bản được áp dụng cho ngành Thanh:

1- Phát huy tinh thần HÐ và khả năng lãnh đạo dựa trên Lời Hứa và Luật của HÐ.

2- Tổ chức sinh hoạt theo từng nhóm gọi là Tuần cho hợp với tuổi tâm sinh lý của ngành, đồng thời phát triển hệ thống chuyên, đẳng hiệu để khuyến khích Thanh sinh tự luyện tập và đạt được nhiều chuyên hiệu và đẳng thứ cao, luôn dùng phương pháp hàng đội tự trị.

3- Sinh hoạt chính của ngành vẫn là Nguyên Lý và Kỹ Thuật Hướng Ðạo.

Thanh Ðoàn:
Gồm các anh chị em tuổi từ 15 đến 21 (có thể xin chuyển lên ngành Tráng lúc 18 tuổi), tổ chức thành nhiều tuần (patrols). Tên của tuần được theo tên của danh nhân hoặc địa danh lịch sử.

Trong sinh hoạt ngành Thanh Trưởng đóng vai trò cố vấn. Các em sẽ tự điều hành đoàn mình.

Thanh Ðoàn lý tưởng có 32 em được tổ chức thành 4 tuần.
(Vài dòng lịch sử, theo Ðà Ðiểu Bệ Vệ)

HỘI ĐỒNG TUẦN TRƯỞNG

Hội Ðồng Tuần Trưởng là một Hội Ðồng mà các thành viên chính là Chánh Tuần Trưởng và các Tuần Trưởng họp với nhau để cùng bàn thảo các dự án cũng như phân chia công tác sinh hoạt cho đoàn. (Các Trưởng có thể tham dự với tư cách dự thính, cố vấn),

Chủ Tọa: Chánh Tuần Trưởng
Thành Viên: Các Tuần Trưởng.
(Các Thanh sinh có thể xin tham dự với tính cách dự thính).

Hội Ðồng Tuần Trưởng thường nhóm họp trong các trường hợp sau:
1- Chánh Tuần Trưởng mang những tin tức, dự án từ Hội Ðồng Trưởng về chia xẻ lại với các Tuần Trưởng, sau đó các tuần sẽ quyết định chung và phân công thực hiện.

2- Các tuần họp để bàn thảo các dự án sinh hoạt lớn, có tính cách toàn đoàn để các tuần làm việc chung với nhau. Sau khi các tuần quyết định các dự án sinh hoạt, Chánh Tuần Trưởng sẽ đại diện cho các tuần mang dự án lên trình bày cho Hội Ðồng Trưởng để có quyết định sau cùng trước khi thực hiện.

Tóm lại Hội Ðồng Tuần Trưởng gần như đều có trong những lần sinh hoạt đoàn, kỳ trại…Và đây là một trong những điều rất cần thiết cho việc áp dụng phương pháp hàng đội.

Ghi chú: Chánh Tuần Trưởng là gạch nối giữa các tuần và Hội Ðồng Trưởng.