- Văn Thư tu chỉnh Nội Lệ (bản chụp lại màn hình từ trang nhà củ)
- Nội Lệ HĐVN-HĐTƯ_Chi Nhánh Cộng Hòa Liên Bang Đức
Hướng Đạo Việt Nam – Hội Đồng Trung Ương
Chi Nhánh Cộng Hòa Liên Bang Đức
N Ộ I – LỆ
CHƯƠNG MỞ ĐẦU
Lịch sử Hướng Đạo Thế Giới đã chứng minh rằng, phong trào Hướng Đạo gắn liền với những dân tộc có ý thức tự do. Bao lâu mà tinh thần dân tộc và niềm khao khát tự do còn bùng cháy thì bấy lâu phong trào Hướng Đạo vẫn còn có động lực và môi trường để dấy lên và lan rộng.
Là một trong những phong trào quốc gia, Hướng Đạo nhờ dân tộc mà tồn tại và phát triển; chính vì thế Hướng Đạo cũng là một trong những phong trào góp phần nuôi dưỡng và phát huy tinh thần quốc gia. Bao lâu mà tinh thần quốc gia dân tộc và ý thức tự do còn rực sáng thì bấy lâu phong trào Hướng Đạo quốc gia còn vững bền.
Mỗi dân tộc có một nền văn hóa riêng, mỗi phong trào Hướng Đạo quốc gia đều có bản sắc riêng. Việc bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc đòi hỏi phong trào Hướng Đạo phải nỗ lực duy trì những truyền thống hay đẹp của mình.
Hướng Đạo còn là một phong trào quốc tế. Với tình huynh đệ trong đại gia đình Hướng đạo Thế Giới, các Hướng đạo sinh có nhiều cơ hội thuận lợi trên đường hội nhập và chắc chắn sẽ học hỏi được những điều đặc sắc nơi Hướng đạo sinh bạn.
Hướng Đạo Việt Nam tại Cộng Hòa Liên Bang Đức hoàn toàn tin tưởng rằng phong trào Hướng Đạo Việt Nam có trách nhiệm và có khả năng cùng các đoàn thể bạn đóng góp vào việc duy trì tinh thần quốc gia dân tộc và ý thức tự do nơi cộng đồng người Việt Nam tại hải ngoại.
Nỗ lực theo đuổi các mục tiêu do phong trào Hướng đạo Thế Giới đã đề ra trong đường hướng “liên tục mang bản sắc dân tộc” mà Hội Đồng Trung Ương HĐVN đã vạch sẵn, đồng thời đáp ứng với tình hình và nhu cầu tại CHLB Đức là hướng tới của phong trào HĐVN tại CHLB Đức.
Trên những nền tảng đó, chắc chắn bản nội lệ nầy sẽ là một trong những viên gạch góp phần củng cố cho phong trào tại CHLB Đức thêm vững mạnh hầu phong trào có thể hoàn thành sứ mạng của mình trong giai đoạn lịch sử hiện tại.
CHƯƠNG 1
Mục tiêu đường hướng và vị trí
Điều 1: Mục tiêu, đường hướng hoạt động và vị trí của Chi nhánh HĐVN tại CHLB Đức được đặt trên nền tảng Hiến chương và Nội lệ của HĐVN do Hội Đồng Trung Ương công bố ngày 07.03.1983 tại Costa Mesa.
CHƯƠNG 2
Tổ chức và điều hành Chi nhánh
Điều 2: Hội Đồng Trưởng là cơ quan tối cao của Chi nhánh, có nhiệm vụ:
– hoạch định đường hướng, chương trình hoạt động cho toàn Chi nhánh và giải quyết những vấn đề cần thiết theo đề nghị của Ban chấp hành.
– duyệt y, báo cáo tài chánh của Chi nhánh theo tường trình của Ban chấp hành.
– bầu cử Chi Nhánh Trưởng và thông qua danh sách Ban chấp hành Chi nhánh theo đề nghị của Chi Nhánh Trưởng.
– bất tín nhiệm Ban chấp hành với ba phần tư tổng số thành viên đương nhiệm sau khi nêu lý do chính đáng.
– giải quyết chung cuộc tài sản và những vấn đề còn lại khi Chi nhánh ngưng hoạt động sau khi thỏa hiệp với Hội Đồng Trung Ương HĐVN.
Điều 3: Thành phần Hội Đồng Trưởng gồm có:
– Các Trưởng thành viên Ban Huynh Trưởng các Liên đoàn hoặc Đơn vị biệt lập được Ban Chấp Hành Chi Nhánh ủy nhiệm hướng dẫn các đơn vị trong năm.
– Các Trưởng được Hội Đồng Trưởng quyết định mời riêng
– Lý trưởng và các Xóm trưởng của Hướng Đạo Trưởng Niên thuộc Chi Nhánh
Điều 4: Hội Đồng Trưởng họp thường lệ hoặc bất thường theo thư mời của Ban chấp hành; tuy nhiên với đa số ba phần tư thành viên đương nhiệm, Hội Đồng Trưởng có thể tự triệu tập các phiên họp bất thường. Các phiên họp của Hội Đồng Trưởng hợp lệ khi hội đủ đa số quá bán tổng số thành viên đương nhiệm. Thành viên vắng mặt vì lý do bất khả kháng có thể ủy quyền đại diện cho thành viên khác bằng thư ủy quyền.
Hội Đồng Trưởng quyết định theo đa số tương đối ngoại trừ các trường hợp được quy định khác.
Điều 5: Chi Nhánh Trưởng là chủ tịch Hội Đồng Trưởng và chủ tọa các phiên họp của Hội Đồng. Thư ký Ban chấp hành Chi nhánh là thư ký của Hội Đồng. Trong trường hợp bầu cử Chi Nhánh Trưởng hoặc biểu quyết bất tín nhiệm Ban chấp hành, Hội Đồng sẽ tự đề cử chủ tọa và thư ký.
Điều 6: Hội Đồng Trưởng bầu Chi nhánh Trưởng theo thể thức trực tiếp, đa số tương đối và kín. Mỗi đơn vị biệt lập có một phiếu, Liên đoàn có số phiếu bằng với số lượng đoàn trực thuộc thêm một phiếu của Liên Đoàn Trưởng.
Trong trường hợp có cùng số phiếu, Trưởng chưa đảm nhiệm trách vụ sẽ đắc cử.
Điều 7: Ban chấp hành do Chi Nhánh Trưởng thành lập và giới thiệu với Hội Đồng Trưởng để được thông qua. Nhiệm kỳ của Ban Chấp Hành là hai ( 02 ) năm, tuy vậy tùy nhu cầu thực tại, nhiệm kỳ sẽ do Hội Đồng Trưởng hiện hành linh động quyết định, có thể tái đắc cử.
Thành phần gồm có:
– Chi Nhánh Trưởng
– Phụ tá
– Thư ký
– Thủ quỹ
Điều 8: Ban chấp hành là đại diện duy nhất của HĐVN tại CHLB Đức và hướng dẫn mọi sinh hoạt của Chi nhánh theo chương trình chung đã được Hội Đồng Trưởng chấp thuận.
CHƯƠNG 3
Tổ chức và điều hành các đơn vị
Điều 9: Liên đoàn là đơn vị căn bản. Mỗi liên đoàn gồm tối thiểu là hai (2) đoàn. Mỗi đoàn gồm tối thiểu hai (2) toán, tuần, đội hoặc đàn. Liên đoàn và đoàn do Ban huynh trưởng hướng dẫn. Các trưởng hướng dẫn liên đoàn và đoàn cũng như các đơn vị biệt lập (chưa hội đủ điều kiện thành liên đoàn) do Ban chấp hành Chi nhánh ủy nhiệm hằng năm theo đề nghị của Liên đoàn trưởng hoặc Trưởng đơn vị biệt lập.
Điều 10: Ban huynh trưởng liên đoàn do Liên Đoàn Trưởng hướng dẫn và gồm có:
– Liên Đoàn Trưởng
– một hoặc nhiều Liên Đoàn Phó (hoặc Phụ tá Liên Đoàn Trưởng)
– các Đoàn Trưởng
– các Đoàn Phó và các Phụ Tá Đoàn Trưởng
– Thư Ký và Thủ Quỹ (do các trưởng trên nhưng không phải là Liên Đoàn Trưởng kiêm nhiệm)
Ban huynh trưởng đơn vị biệt lập do Trưởng đơn vị hướng dẫn và gồm có:
– Trưởng đơn vị
– các Phó và Phụ Tá
– Thư Ký và Thủ Quỹ (do các trưởng trên nhưng không phải là Trưởng đơn vị kiêm nhiệm)
Điều 11: Ban huynh trưởng đơn vị tân lập nhận được sự ủy nhiệm của Ban chấp hành trong giai đoạn thành lập đơn vị. Các đơn vị tân lập được Chi nhánh đặc biệt hỗ trợ cho đến khi được Ban chấp hành thừa nhận là đơn vị chính thức.
Điều 12: Ban huynh trưởng liên đoàn hoặc đơn vị biệt lập tự phân công nhau đảm nhận các trách vụ; tuy nhiên, tùy tình hình thực tế tại đơn vị mà sự phân công nói trên được điều chỉnh đúng lúc sao cho mọi hoạt động được nhịp nhàng, hữu hiệu hầu đạt được mục tiêu chung đã đề ra.
Điều 13: Tổ chức và sinh hoạt các ngành được căn cứ trên các quy chế ngành, các tài liệu căn bản đã có hoặc do HĐTƯ ban hành; tuy nhiên sự áp dụng có thể được gia giảm tùy tình hình tại chỗ miễn sao mục tiêu và đường hướng chung vẫn được tôn trọng.
Điều 14: Các đơn vị nỗ lực duy trì các truyền thống hay đẹp của HĐVN đồng thời học hỏi những điều đặc sắc của HĐ bạn.Trong khi chờ đợi một thỏa hiệp có thể đạt được giữa HĐVN và HĐ Đức, các đơn vị tùy hoàn cảnh địa phưong, có thể ghi danh sinh hoạt với HĐ Đức.
Điều 15: Các đơn vị có nhiệm vụ thi hành các chương trình chung đã được quyết định và có nghĩa vụ đóng góp vào mọi công tác chung.
Điều 16: Đoàn sinh đóng góp vào sinh hoạt chung của đơn vị và cần phải được bảo hiểm. Các đoàn sinh còn trong tuổi vị thành niên (dưới 18 tuổi) phải được cha mẹ hoặc người giám hộ minh thị chấp thuận.
Điều 17: Mỗi đơn vị có thể ban hành nội quy sinh hoạt riêng cho đơn vị miễn là không trái với mục tiêu, đường hướng chung cùng những quy định căn bản khác của HĐVN.
CHƯƠNG 4
Cố vấn và bảo trợ
Điều 18: Các cơ quan cố vấn và bảo trợ cho chi nhánh, liên đoàn hoặc đơn vị biệt lập gồm quý vị phụ huynh, thân hữu, chuyên gia … được mời để giúp phần vào việc kiện toàn và phát triển phong trào HĐVN.
Điều 19: Dựa theo quyết định của Hội Đồng Trung Ương – HĐVN hiện hành, nhu cầu thành lập Ngành Cựu HĐ được thay thế bằng Hướng Đạo Trưởng Niên ( HĐTrN ), còn gọi là Làng Bách Hợp – Đức quốc.
Nội lệ của HĐTrN, hay là Làng Bách Hợp – Đức quốc, được Hội Đồng Trưởng CN thông qua, sẽ là nền tảng sinh hoạt áp dụng cho Làng.
CHƯƠNG 5
Tài chánh – Tài sản
Điều 20: Chi nhánh cũng như liên đoàn và đơn vị biệt lập ký thác ngân quỹ vào một trương mục tại ngân hàng thuận tiện. Chi thu hàng tháng của liên đoàn hoặc đơn vị biệt lập phải được trình bày trong Ban huynh trưởng. Chi thu của chi nhánh phải được tường trình vào phiên họp Hội Đồng Trưởng mỗi năm để được duyệt y và giải nhiệm về phương diện tài chánh. Các vật dụng phải được ghi vào sổ tài sản. Chứng từ chi thu phải hợp lệ và được lưu trữ theo luật lệ hiện hành.
Điều 21: Khi vì lý do gì phải ngưng hoạt động, Trưởng đơn vị và Thủ Quỹ đương nhiệm có trách nhiệm tường trình tài sản (hiện kim và hiện vật) đến cơ quan cấp trên để được ấn định biện pháp giải quyết, đặc biệt đối với Hướng Đạo Đức, nếu có ghi danh sinh hoạt.
CHƯƠNG CUỐI
Điều cuối cùng: Nội lệ nầy gồm bảy chương, hai mươi hai điều, có hiệu lực kể từ ngày 01.06.87 và có thể được tu chỉnh theo quyết định của ba phần tư Hội Đồng Trưởng đương nhiệm.
6536 Langenlonsheim, ngày 30 tháng 5 năm 1987
- Hội đồng Trưởng HĐVN tại CHLB Đức
(Ký tên)
Nguyễn Văn Thuất
____________________________________
Được tu chỉnh và có hiệu lực từ ngày 06.02.2005
Gründau, ngày 06. 02. 2005
- Hội Đồng Trưởng
Chi Nhánh Trưởng
Nguyễn Minh Tân